Cơ sở là gì?
Căn cứ quy định tại Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013 thì có thể hiểu cơ sở là nơi sản xuất, kinh doanh, công trình công cộng, trụ sở làm việc, khu chung cư và công trình độc lập khác theo danh mục do Chính phủ quy định.
Quy định phòng cháy đối với cơ sở
Căn cứ Điều 20 Luật phòng cháy và chữa cháy 2001 quy định phòng cháy đối với cơ sở như sau:
– Cơ sở được bố trí trên một phạm vi nhất định, có người quản lý, hoạt động và cần thiết có phương án PCCC (sau đây gọi tắt là PCCC) độc lập phải thực hiện các yêu cầu cơ bản sau đây:
+ Có quy định, nội quy về an toàn PCCC;
+ Có các biện pháp về phòng cháy;
+ Có hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy phù hợp với tính chất hoạt động của cơ sở;
+ Có lực lượng, phương tiện và các điều kiện khác đáp ứng yêu cầu về PCCC;
+ Có phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người, cứu tài sản và chống cháy lan;
+ Bố trí kinh phí cho hoạt động PCCC;
+ Có hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC.
– Đối với cơ sở khác thì thực hiện các yêu cầu về phòng cháy quy định nêu trên phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở đó.
– Những đối tượng quy định tại các điều từ Điều 21 đến Điều 28 Luật phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi 2013) ngoài việc thực hiện các yêu cầu về phòng cháy quy định nêu trên, còn phải thực hiện các biện pháp đặc thù về PCCC cho từng đối tượng đó.
Điều kiện an toàn về PCCC đối với cơ sở
Điều kiện an toàn về PCCC đối với cơ sở được quy định cụ thể tại Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau:
(1) Cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC sau đây:
– Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
– Có lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 3 Điều 31 Nghị định 136/2020/NĐ-CP;
– Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
– Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
– Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện PCCC khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
– Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC đối với dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự.
(2) Cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC sau đây:
– Các điều kiện sau:
+ Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
+ Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
Trường hợp cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC;
– Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện PCCC khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
– Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ PCCC. Người làm nhiệm vụ PCCC phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC theo quy định tại Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
(3) Cơ quan, tổ chức hoạt động trong phạm vi một cơ sở đã bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC nêu tại điểm (1) và (2), trong phạm vi quản lý của mình phải thực hiện các nội dung sau đây:
– Phải có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
– Sử dụng thiết bị điện, sinh lửa, sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn PCCC;
– Cử người tham gia đội PCCC cơ sở;
– Phối hợp với người đứng đầu cơ sở thực hiện, duy trì điều kiện an toàn PCCC trong phạm vi quản lý của mình.
(4) Điều kiện an toàn về PCCC nêu tại điểm (1), (2) và (3) phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở tổ chức thực hiện trước khi đưa vào hoạt động và được duy trì trong suốt quá trình hoạt động.
Trường hợp trong cơ sở có nhiều cơ quan, tổ chức cùng hoạt động, người đứng đầu cơ sở chịu trách nhiệm quản lý và duy trì điều kiện an toàn PCCC chung của cơ sở.
(5) Hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC của cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III, Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP do người đứng đầu cơ sở lập và lưu giữ. Thành phần hồ sơ thực hiện theo quy định của Bộ Công an.
Hướng dẫn về nội quy an toàn, sơ đồ chỉ dẫn, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về PCCC
Căn cứ hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư 149/2020/TT-BCA thì nội quy an toàn về PCCC phải phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động của cơ sở và gồm các nội dung cơ bản sau: Quy định việc quản lý, sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị, dụng cụ có khả năng sinh lửa, sinh nhiệt; quy định việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị PCCC; những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật về PCCC; những việc phải làm khi có cháy, nổ xảy ra.
Sơ đồ chỉ dẫn về PCCC phải thể hiện đường, lối thoát nạn, vị trí bố trí phương tiện, thiết bị chữa cháy của khu vực, tầng nhà. Tùy theo tính chất, đặc điểm hoạt động cụ thể của cơ sở, sơ đồ chỉ dẫn về PCCC có thể tách thành các sơ đồ chỉ dẫn riêng thể hiện một hoặc một số nội dung nêu trên.
Biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về PCCC, gồm:
– Biển cấm lửa, biển cấm hút thuốc, biển cấm mang, sử dụng diêm, bật lửa, điện thoại di động, thiết bị thu phát sóng, các thiết bị, vật dụng, chất có khả năng phát sinh nhiệt, tia lửa hoặc lửa tại nơi sản xuất, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ, xăng, dầu, khí đốt hóa lỏng, hóa chất dễ cháy, nổ;
– Biển báo khu vực có nguy hiểm về cháy, nổ;
– Biển chỉ dẫn về PCCC, gồm: Biển chỉ hướng thoát nạn, cửa thoát nạn; biển chỉ vị trí trụ, cột, bể, bến lấy nước chữa cháy.
Quy cách, mẫu biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về PCCC thực hiện theo quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4879:1989 Phòng cháy – Dấu hiệu an toàn. Trong trường hợp cần phải quy định rõ hiệu lực của biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn thì phải có biển phụ kèm theo.
Nội quy an toàn, sơ đồ chỉ dẫn, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về PCCC phải được phổ biến và niêm yết ở những nơi dễ thấy để mọi người biết và chấp hành.
Hướng dẫn về hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố
Căn cứ hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư 149/2020/TT-BCA thì hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố, gồm: Cơ sở dữ liệu về PCCC; cơ sở hạ tầng thông tin.
Cơ sở dữ liệu về PCCC, gồm: Thông tin báo sự cố (cháy, tai nạn; báo lỗi của hệ thống, thiết bị báo cháy), tình trạng hoạt động của hệ thống PCCC và các hệ thống kỹ thuật có liên quan đến PCCC tại cơ sở; đặc điểm của cơ sở có liên quan đến công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ; lực lượng, phương tiện, hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ hoạt động PCCC và cứu nạn, cứu hộ của cơ sở; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; việc thực hiện quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng; phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ; tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn của cơ sở; những thay đổi của cơ sở có liên quan đến công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ; các thông tin khác có liên quan đến hoạt động PCCC và cứu nạn, cứu hộ của cơ sở.
Cơ sở hạ tầng thông tin bao gồm: Các thiết bị (máy chủ, thiết bị phần cứng, hệ thống kết nối) trang bị tại cơ quan Công an ở cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; thiết bị truyền tin báo sự cố trang bị tại cơ sở; phần mềm lưu trữ, xử lý thông tin cơ sở dữ liệu về PCCC từ các cơ sở đến cơ quan Công an và giữa cơ quan Công an các cấp.
Kết nối, truyền dẫn dữ liệu, thông tin: Thông tin báo sự cố của cơ sở được thực hiện thông qua thiết bị truyền tin báo sự cố và dịch vụ kết nối từ các cơ sở đến cơ quan Công an do các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền tin báo sự cố thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật. Cơ sở dữ liệu về PCCC và các thông tin báo sự cố phải được kết nối đồng bộ với phần mềm quản lý của cơ quan Công an; phải bảo đảm yêu cầu về an ninh, an toàn và bảo mật theo quy định.